12 sắc thuế thường gặp ở Việt Nam

Quản lý thuế là một thủ tục tuân thủ trong kinh doanh gắn liền với mọi doanh nghiệp và các nhà quản lý. Việc lập kế hoạch thuế giúp xây dựng các định hướng, nguyên tắc, nền tảng cho việc thực thi các thủ tục về thuế trong nhiều năm về sau. Lập kế hoạch thuế bao gồm cả mục tiêu quản trị tuân thủ theo qui định và tối ưu thuế.

TIN TỨC

15 min read

person holding paper near pen and calculator
person holding paper near pen and calculator

Để lập kế hoạch thuế hiệu quả, chủ động trước mọi yêu cầu hay thủ tục kiểm tra quyết toán thuế, trước hết chúng tôi xin được giới thiệu 12 sắc thuế tiêu biểu có liên quan hằng ngày tới mọi doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam:

THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

  1. Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Đây là một loại thuế gián thu được đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, mặc dù chủ thể đem nộp nó cho cơ quan thu là các doanh nghiệp.

  2. Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ một số loại hàng hóa dịch vụ thuộc nhóm không chịu thuế.

  3. Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng.

  4. Thuế suất thuế giá trị gia tăng gồm: 0%, 5%, 10%.

THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

  1. Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, đánh vào đối tượng là doanh nghiệp/tổ chức kinh tế có mức thu nhập phải chịu thuế bao gồm từ hoạt động kinh doanh, sản xuất, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và những thu nhập khác của doanh nghiệp theo quy định.

  2. Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước.

  3. Thu nhập chịu thuế bằng doanh thu trừ các khoản chi được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng thu nhập khác, kể cả thu nhập nhận được ở ngoài Việt Nam.

  4. Thuế suất thuế TNDN là 20% kể từ 01 tháng 01 năm 2016. Trong trường hợp ưu đãi, thuế suất sẽ được áp dụng là 10%, giảm, miễn trong một số năm.

THUẾ NHÀ THẦU NƯỚC NGOÀI

  1. Thuế nhà thầu là một loại thuế đánh vào tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

  2. Thuế nhà thầu sẽ bao gồm thuế giá trị gia tăng và và thuế thu nhập doanh nghiệp, căn cứ vào doanh thu tính thuế và tỷ lệ tính thuế tùy theo từng loại hình ngành nghề kinh doanh.

  3. Nếu nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Nếu nộp thuế GTGT tính trực tiếp trên GTGT, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu

  4. Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu đối với ngành kinh doanh là từ 2% đến 5%; Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế đối với ngành kinh doanh: từ 1% đến 10% tùy theo ngành nghề.

THUẾ CHUYỂN NHƯỢNG VỐN:

  1. Thuế chuyển nhượng vốn là loại thuế tính trên Thu nhập từ chuyển nhượng vốn bao gồm thu nhập từ việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật.

  2. Giá chuyển nhượng được xác định là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng. Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế có cơ sở để xác định giá thanh toán không phù hợp theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng.

  3. Doanh nghiệp có chuyển nhượng một phần vốn góp trong doanh nghiệp mà giá chuyển nhượng đối với phần vốn góp này không phù hợp theo giá thị trường thì cơ quan thuế được ấn định lại toàn bộ giá trị của doanh nghiệp tại thời điểm chuyển nhượng để xác định lại giá chuyển nhượng tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp chuyển nhượng.

  4. Thuế suất thuế TNDN là 20% tính trên lợi nhuận ròng chịu thuế. Lợi nhuận ròng chịu thuế = Giá chuyển nhượng – Nguyên giá vốn chuyển nhượng – Chi phí chuyển nhượng.

THUẾ TỪ ĐẦU TƯ VỐN:

  1. Thuế đầu tư vốn là loại thuế tính trên Thu nhập từ các hình thức: Tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay. Cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần. Lợi tức nhận được do tham gia góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn. Phần tăng thêm của giá trị vốn góp nhận được khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn. Thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu, tín phiếu và các giấy tờ có giá khác do các tổ chức trong nước phát hành. Các khoản thu nhập nhận được từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, bằng danh tiếng, bằng quyền sử dụng đất, bằng phát minh, sáng chế. Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn.

  2. Thuế suất thuế đầu tư vốn là 5%.

THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT:

  1. Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa đặc biệt do các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu. Thuế này do các cơ sở trực tiếp sản xuất ra hàng hoá đó hoặc người nhập khẩu phải nộp nhưng người tiêu dùng là người chịu thuế vì thuế được cộng vào giá bán.

  2. Các loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là: Thuốc lá; Rượu; Bia; Xe ô tô dưới 24 chỗ; Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;Tàu bay, du thuyền; Xăng các loại; Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; Bài lá; Vàng mã, hàng mã.

  3. Các loại dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là: Kinh doanh vũ trường; Kinh doanh mát-xa, ka-ra-ô-kê; Kinh doanh ca-si-nô; trò chơi điện tử có thưởng; Kinh doanh đặt cược; Kinh doanh gôn (golf); Kinh doanh xổ số.

  4. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hoá, dịch vụ từ 15% đến 65%.

THUẾ MÔN BÀI:

  1. Môn là cửa, bài là thẻ bài hay biển hiệu để kinh doanh. Muốn kinh doanh thì phải đăng ký và treo biển hiệu theo qui định. Lệ phí môn bài hay thuế môn bài, được hiểu là một loại thuế tính trên giấy phép kinh doanh, có tính chất cố định hằng năm đối với bất kỳ đơn vị nào có treo biển hiệu để kinh doanh.

  2. Khai, nộp lệ phí môn bài: Khai lệ phí môn bài một lần khi người nộp lệ phí mới ra hoạt động kinh doanh, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế.

  3. Mức thu lệ phí môn bài được căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Tổ chức có vốn trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm; Tổ chức có vốn từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm; Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, tổ chức kinh tế khác có hoạt động sản xuất kinh doanh: 1.000.000 đồng/năm.

  4. Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

  1. Thuế thu nhập cá nhân là một sắc thuế trực thu đánh trên thu nhập do cá nhân kiếm được và ngày càng trở nên một bộ phận quan trọng trong các khoản thu ngân sách tại Việt Nam.

  2. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

  3. Thu nhập chịu thuế bao gồm: Thu nhập từ kinh doanh, Thu nhập từ tiền lương, Thu nhập từ đầu tư vốn, Thu nhập từ chuyển nhượng vốn,Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, Thu nhập từ trúng thưởng, Thu nhập từ bản quyền, Thu nhập từ nhượng quyền thương mại, Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán…

  4. Thuế suất thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần là từ 5% đến 35% căn cứ vào mức thu nhập chịu thuế.

THUẾ THU NHẬP TỪ CHUYỂN NHƯỢNG BẤT ĐỘNG SẢN

  1. Thuế được tính từ thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là khoản thu nhập nhận được từ việc chuyển nhượng bất động sản bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai. Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước. Thu nhập khi góp vốn bằng bất động sản để thành lập doanh nghiệp hoặc tăng vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Thu nhập từ việc ủy quyền quản lý bất động sản mà người được ủy quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có quyền như người sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật.

  2. Thuế suất đối với chuyển nhượng bất động sản là 25% trên thu nhập tính thuế.

THUẾ THU NHẬP TỪ TRÚNG THƯỞNG

  1. Thuế được tính từ thu nhập từ trúng thưởng là các khoản tiền hoặc hiện vật mà cá nhân nhận được dưới các hình thức sau đây: Trúng thưởng xổ số. Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại khi tham gia mua bán hàng hóa, dịch vụ. Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, đặt cược. Trúng thưởng trong các casino.Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.

  2. Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ trúng thưởng áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 10%.

THUẾ THU NHẬP TỪ BẢN QUYỀN – NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

  1. Thuế được tính từ thu nhập từ bản quyền là thu nhập nhận được khi chuyển nhượng, chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ; thu nhập từ chuyển giao công nghệ. Cụ thể như sau: Đối tượng quyền tác giả bao gồm các tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm: ghi hình, ghi âm chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch. Chuyển giao các bí quyết kỹ thuật. Chuyển giao kiến thức kỹ thuật về công nghệ dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu. Chuyển giao giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.

  2. Thuế được tính từ hoạt động nhượng quyền thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện của bên nhượng quyền tại hợp đồng nhượng quyền thương mại. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại là các khoản thu nhập mà cá nhân nhận được từ các hợp đồng nhượng quyền thương mại nêu trên, bao gồm cả trường hợp nhượng lại quyền thương mại theo quy định của pháp luật về nhượng quyền thương mại.

  3. Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ bản quyền – nhượng quyền thương mại áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%.

THUẾ THU NHẬP TỪ NHẬN THỪA KẾ – QUÀ TẶNG

  1. Thuế được tính từ thu nhập từ nhận thừa kế là khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế, cụ thể như sau: Đối với nhận thừa kế là chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác. Đối với nhận thừa kế là phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh. Đối với nhận thừa kế là bất động sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức. Đối với nhận thừa kế là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước như: ô tô; xe gắn máy, xe mô tô; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao.

  2. Thuế suất: Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thừa kế, quà tặng được áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 10%.

QUẢN LÝ VIỆC KIỂM TRA THUẾ

Cách thức làm việc và giải trình với cơ quan thuế đôi khi quyết định 50% kết quả cuối cùng.

  1. Dự đoán thời điểm sẽ được kiểm tra thuế và chủ động chuẩn bị hồ sơ, phương án.

  2. Tiếp nhận các thông báo kiểm tra thuế.

  3. Nhận diện bối cảnh, lý do và mục tiêu của cuộc kiểm tra thuế.

  4. Lập kế hoạch cung cấp thông tin.

  5. Kiểm soát việc giải trình.

  6. Kiểm soát ngân sách các khoản phải nộp và tín nhiệm doanh nghiệp về thuế.

  7. Thu thập và lưu trữ hồ sơ kiểm tra thuế, cập nhật – điều chỉnh số liệu theo kết quả kiểm tra thuế.

  8. Nộp thuế theo các quyết định kiểm tra.